Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

MiNaH ở Cambodia (1): Giới thiệu quần thể Angkor

Angkor, người Việt gọi là Đế Thiên Đế Thích ở tỉnh Siem Reap, cách Phnompenh 317 km về hướng Bắc. Đây là một quần thể kiến trúc hơn 100 ngôi đền bằng đá, mà các vì vua trị vì đế quốc Khmer cổ đã xây dựng gần Siem Reap, kinh đô thời kỳ Angkor huy hoàng, trải dài từ đầu thế kỷ thứ 9 tới thế kỷ 15.

Quần thể Angkor rất lớn rộng khoảng 420 km2, trong đó có nhiều đền, cung điện. Du Khách phải có ít nhất 3 ngày thì mới tham quan hết được một số thắng tích thuộc phạm vi mở cửa cho công chúng. Giá vé tham quan là 20 đô la một ngày, mua vé xem ba ngày thì tốn 40 đô la. Ngoài ra còn có vé tuần, vé tháng... Angkor là di sản thế giới nên việc trùng tu quần thể Angkor được nhà nước Cambodia, Liên Hiệp quốc và nhiều nước rất quan tâm.

Khu quần thể Angkor do ông SokCung, một người Miên gốc Việt, còn được gọi là Sáu Cò quản lý từ gần chục năm nay. Hằng năm, ông này nạp cho chính phủ Cambodia một khoản tiền (không nhớ rõ), và khoản tiền này cao hơn hẳn so với khi chính phủ tự kinh doanh khu Angkor. Mấy năm đầu, ông Sáu Cò lỗ vốn, nhưng sau này, đặc biệt là sau khi Hollywood trình chiếu bộ phim Tomb Raider, đã có lời và lời rất nhiều. Những năm đầu ông Sáu Cò lỗ vốn do Angkor chưa được biết đến nhiều trên thế giới, và một phần do rất nhiều du khách người Hàn Quốc và Trung Quốc "chơi" ông. Họ mua vé rồi sau đó tuồn ra cho những người khác sử dụng vé đó. Ông Sáu Cò giàu lắm. Đi đâu cũng thấy cây xăng, khách sạn, resort mang tên ông. Nghe đồn ông có cô con gái 23 tuổi rất đẹp và tài giỏi nhưng để tiếp cận được cô ấy thì phải bước qua xác của 6 bodyguard.

Cách đây không lâu khoảng gần 150 năm, vào năm 1858, nhà thực vật học và thám hiểm Pháp Henri Mouhot đã khám phá ra Angkor hoang vắng chìm đắm trong rừng rậm từ bao thế kỷ. Đền bị các cây cổ thụ mọc phủ kín, rể cây khổng lồ chen vào các khe hở kiến trúc đá qua thời gian nhiều thế kỷ phá đổ và gây nên sự tàn phá đền. Trước cảnh hoang tàn âm u của các kiến trúc từ một nền văn minh chưa ai biết chìm sâu trong rừng rậm từ bao thế kỷ, Mouhot đã xúc động tràn ngập, ông viết một bài mô tả trong nhật ký, sau này in lại trong sách của ông “Voyages dans les royaumes du Siam du Cambodge et du Laos”. Sách này được xuất bản sau khi ông mất vì bệnh sốt rét năm 1861 trên sông Mekong gần Luang Prabang. Năm 1861 cũng là năm Pháp đánh chiếm Saigon và các tỉnh miền Nam. Trớ trêu thay như số phận trước đây của Angkor, mộ ông bị bỏ hoang biến mất trong rừng rậm và chỉ mới đây tình cờ tìm lại được vào năm 1990.

Sau khi Mouhot mất, nhật ký của ông được các người hầu thân cận mang về Bangkok và từ đó được trao lại cho vợ ông. Tạp chí “Le Tour du Monde”, năm 1863, đã trích từ sách nhật ký một chương giới thiệu và mô tả khám phá Angkor của ông đã kích thích trí tưởng tượng, óc tò mò, sự khao khát khám phá, tìm hiểu học hỏi ở nhiều nơi trên thế giới. Nhà thám hiểm Louis Delaporte sau đó đã đến Angkor nghiên cứu, vẽ hoạ đồ các kiến trúc và mang về Paris một số hiện vật (nay trưng bày ở viện bảo tàng Guimet).

Nhưng Mouhot không phải là người ngoại quốc đầu tiên tìm ra lại được Angkor. Trước ông rất lâu gần 3 thế kỷ là các giáo sĩ người Bồ Đào Nha. Một trong những người đầu tiên đó là Antonio da Magdalena, đến Angkor năm 1586. Năm 1589, ông đã đưa lại cho Diogo do Couto, sử gia chính thức của công ty Đông Ấn Bồ Đào Nha ghi lại tường trình của ông về chuyến thăm Angkor trước khi ông bị đắm tàu chết ở Natal năm 1589. Couto đã viết lại như sau về chuyến đi của Magdalena

“.. Cách nửa dặm từ thành phố này là một đền gọi là Angar. Đây là một công trình ngoại hạng đến nổi không có thể diễn tả được bằng ngòi viết, nhất là đây là một kiến trúc không giống bất cứ kiến trúc nào khác trên thế giới. Angar có các tháp, kiến trúc trang trí và tất cả những cái tinh tuý mà thiên tài con người đã nghỉ ra được. Đền được bao bọc bởi hào nước, đi vào đền bằng một cầu, được bảo vệ bởi hai tượng cọp bằng đá rất lớn và dữ dằn làm cho du khách phải sợ hãi..".

Những giáo sĩ Bồ Đào Nha khác cũng ngạc nhiên rung động trước sự vĩ đại mà họ đã chứng kiến. Marcello de Ribadeneyra đã viết như sau lần đầu tiên về Angkor bằng ngôn ngữ Tây phương xuất bản năm 1601:

“..Chúng ta cho rằng những người lập ra vương quốc Siam đến từ thành phố lớn nằm giữa một sa mạc trên vương quốc Cambodia. Tai đó có một thành phố cổ xưa đã bị đổ nát mà một số người cho rằng đã được xây bởi Alexander Đại đế hay bởi người La Mã, thật kinh ngạc là không có ai sống ở đó hiện nay, chỉ có thú dữ trú ngự, và người địa phương nói rằng nó đã được xây bởi người ngoại quốc."

Nhưng trước cả các giáo sĩ Bồ Đào Nha là sứ giả Trung quốc Châu Đạt Quan đã có mặt ở Angkor vào thế kỷ 13, lúc Angkor chưa bị bỏ hoang. Ông đã chứng kiến sinh hoạt của một xã hội, phong tục tập quán, vua chúa, đền đài. Tư liệu duy nhất vô cùng quí giá về vương quốc Angkor.

Quần thể Angkor là tên gọi chung cho một khu vực rất nhiều đền đài như Angkor Wat, Angkor Thom, Ta Prohm... mà sẽ được đề cập đến ở những entry sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét